Nguồn lực cho nghệ thuật sân khấu truyền thống: Khan hiếm ngay từ “đầu vào”
VHO- Hai cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng - Dân ca kịch toàn quốc 2023 và Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức vừa khép lại. Hơn 100 nghệ sĩ thuộc 21 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã có cơ hội để phô diễn tài năng và giải thưởng đã vinh danh những gương mặt xứng đáng.
Tiết mục dự thi của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
Thế nhưng, sau khoảnh khắc rực cháy với nghề, họ lại quay về để giải bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” cho chính mình, khi nghệ thuật sân khấu truyền thống không còn là lựa chọn giải trí của khán giả, nhất là giới trẻ, rồi nỗi lo sáp nhập khiến tính chuyên nghiệp cứ mai một dần...
Thiếu nguồn lực trẻ bổ sung
Còn nhớ cách đây 3 năm, loạt bài Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống trên Văn Hóa có dẫn câu chuyện của diễn viên Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát NTTT tỉnh Thanh Hóa) mất cả năm “vật vờ” đi hát đám cưới, hội nghị để có tiền mưu sinh và chờ đợi Nhà hát giao vai chính. Lửa nghề cháy bỏng đã giữ chân cô gái trẻ xinh đẹp trụ lại để được tuyển chính thức vào biên chế. Và ngày hôm nay, cô đã tới được Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc 2023 cùng các đàn anh, đàn chị trong nghề.
Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh Thanh Hóa, NSND Hàn Hải chia sẻ: “Phải yêu nghề lắm mới có thể trụ lại với đơn vị. Hiện cái khó của Nhà hát cũng như các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống tình trạng thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, chưa nói đến tài năng. Cơ hội làm việc ở các ngành nghề khác rất rộng mở, như Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp dệt may, lao động đơn thuần cũng có thể nhận mức lương 6 triệu, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu, cũng dễ hiểu vì sao nghệ thuật truyền thống không có sức hút với người trẻ!”. Hiện nay, lãnh đạo Nhà hát NTTT Thanh Hóa cũng đang rất đau đầu để “giải bài toán” thiếu nhân lực, khi biên chế giới hạn chỉ có 86 người (cả 3 đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe...). Tính trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công, số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang, NSƯT Tạ Quang Lẫm tâm tư: “Thay vì tổ chức Cuộc thi tài năng trẻ cho từng loại hình sân khấu truyền thống như trước, năm nay Cuộc thi tài năng sân khấu Chèo, Tuồng, Dân ca kịch đã bỏ đi từ “trẻ” và không khống chế độ tuổi dự thi. Nhà hát Chèo Bắc Giang có 2 NSƯT và 4 diễn viên trẻ tham gia. Chúng tôi đang ở tình trạng thừa 7 chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có người để tuyển. Để người trẻ dấn thân vào con đường nghệ thuật là vô cùng khó khăn, bởi lẽ các khu công nghiệp phát triển mang lại cho họ nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn là đi làm nghệ thuật truyền thống. Đa phần những người trẻ có tài năng không về địa phương mà đầu quân cho các đoàn Trung ương và Hà Nội, dẫu chỉ làm thử việc hay hợp đồng họ cũng chấp nhận”.
Điều lo lắng và trăn trở nhất của Nhà hát NTTT Thanh Hóa, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng như nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu tới cuộc thi lần này chính là những trăn trở về bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, bởi ngay từ “đầu vào” đã không có người dự tuyển. Đó là lý do mà các cuộc thi tài năng đã rơi vào tình trạng “già hóa”. Dấn thân vào con đường này, nghệ sĩ phải bỏ nhiều mồ hôi, công sức nhưng nhận lại đồng lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên nghệ thuật truyền thống bế tắc ngay khâu tuyển sinh đào tạo.
Tiết mục dự thi của Nhà hát Chèo Việt Nam
Đầu tư tốt, tài năng sẽ có bệ phóng
Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn nhận định: “Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị”. Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Rất nhiều đơn vị chỉ trông ngóng vào những cuộc thi hay liên hoan để “xin” kinh phí, không đi thi đồng nghĩa sẽ không có tiền để dàn dựng chương trình mới. Không được dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, thế mà nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi im đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… Họ không có đủ bản lĩnh, dũng cảm để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa”.
Sự quan tâm của lãnh đạo và các nghệ sĩ trong đơn vị là động lực giúp nghệ sĩ sáng tạo
Nhiều đơn vị tới dự cuộc thi lần này chia sẻ, họ ao ước được như các đoàn nghệ thuật Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội hay Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội... Nhờ có sự quan tâm sát sao, thấu hiểu cái khó của người làm nghệ thuật, những đơn vị trên đã được địa phương tạo cơ chế mở về tuyển dụng cũng như đào tạo, vì vậy mà nguồn nhân lực luôn rất dồi dào. Cá biệt có đơn vị còn bố trí nhà tập thể cho diễn viên chưa có nhà ở, mỗi tháng hỗ trợ mức tiền cao hơn cả mức lương cơ bản... Cũng phải công bằng nhìn nhận, muốn địa phương quan tâm thì bản thân lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng phải phát huy vai trò của mình. Sự yếu kém của một số đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng đã bộc lộ vai trò mờ nhạt của giám đốc, trưởng đoàn. Quanh năm họ không hề mở lớp tập huấn hay rèn giũa cho diễn viên trẻ; khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp tập đôi tuần. Chính vì thế, tiết mục dự thi của những đơn vị này rất sơ sài, bản thân nghệ sĩ phải tự nỗ lực cố gắng chứ không có nhiều sự hậu thuẫn từ đơn vị.
Điều lo lắng, trăn trở của đa số các đơn vị là làm thế nào để xã hội hóa khi nghệ thuật truyền thống không còn là nhu cầu thưởng thức của phần đông khán giả. Một số địa phương đã tìm giải pháp sáp nhập thành mô hình Nhà hát nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải đã dẫn tới tất cả cùng èo uột, không thể phát triển được, và nguy cơ nghiệp dư hóa đang hiển hiện trước mắt.
Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trụ lại bám nghề hay không thực sự là bài toán nan giải. Sau vinh quang trở về, họ lại “vật vã” lao vào cuộc mưu sinh để kiếm sống với đủ thứ nghề, khiến tài năng ngày càng mai một. Làm thế nào để Tuồng, Chèo, Dân ca kịch giữ gìn được bản sắc và đặc trưng trong cơ chế thị trường hiện nay? Trong khi chờ những đổi mới về chính sách và cơ chế đãi ngộ, thu hút người trẻ thì bản thân lãnh đạo các đơn vị cũng phải năng động hơn, tìm cách làm sân khấu xã hội hóa, tạo đất diễn cho nghệ sĩ, đặc biệt là giúp cho diễn viên trẻ có cơ hội được làm nghề, được gắn bó và cống hiến tài năng cho nghệ thuật dân tộc.
Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị. Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ… Không dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, thế mà nhiều vị lãnh đạo cứ ngồi đó và thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… (Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng NGUYỄN HIỂN DĨNH) |
THÚY HIỀN